Nghị định 10/2020 về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô quy định trước ngày 1/7/2021, ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Mặc dù thời hạn đã cận kề, song đến nay nhiều doanh nghiệp vận tải dường như vẫn giậm chân tại chỗ vì lo tăng chi phí…
Doanh nghiệp vận tải kêu khó trong việc lắp camera giám sát
Doanh nghiệp kêu khó…
Ông Lê Viết Hoài, Giám đốc Xí nghiệp Bến xe phía Bắc Huế cho biết, tại bến xe có 31 tuyến Huế đi các tỉnh, thành ở phía Bắc, gồm 37 đơn vị vận tải, với hơn 300 đầu xe.
Việc quy định lắp camera giám sát rất thiết thực và có ý nghĩa cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh lĩnh vực vận tải. Bến xe đã nhiều lần tuyên truyền đến các phương tiện hoạt động trong bến về việc lắp camera giám sát, nếu không thực hiện sẽ bị xử phạt theo quy định.
Thế nhưng, đến nay, chỉ mới có khoảng 20-30% lắp đặt camera giám sát trên xe. Nguyên nhân do nhiều DN vận tải, nhiều chủ xe nêu khó khăn về kinh phí lắp đặt. Trong khi, mỗi phương tiện lắp camera có giá thành dao động từ 7-9 triệu đồng.
Ông Trần Tuấn (SN 1975, trú tại TP Huế, Thừa Thiên - Huế) là chủ xe khách 12 chỗ BKS 75B- 015.96 chạy tuyến Huế - Ba Đồn (Đồng Hới) nói rằng, việc lắp camera rất có ý nghĩa vừa đảm bảo quyền lợi cho chủ xe, cho khách, nhưng nhiều tháng nay do dịch bệnh nên xe chạy bữa có, bữa không nên rất khó khăn, chưa xoay xở tiền để lắp camera được.
Dù chưa có con số thống kê chính thức từ cơ quan chức năng, nhưng bên cạnh việc tự giác chấp hành của một số DN, đa số chủ DN vẫn còn chần chừ trong việc lắp đặt thiết bị camera giám sát. Nguyên nhân được cho là do đang ngóng chờ các kiến nghị lùi thời gian xử phạt.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cho hay, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 5.000 đầu xe tải với khoảng 160 DN.
Tác động của dịch bệnh khiến DN đang bị đuối sức. Hầu hết các DN không triển khai lắp đặt mà đang trông chờ vào kiến nghị lùi thời hạn xử phạt của các hiệp hội.
Băn khoăn về giao thức truyền dữ liệu, ông Khúc Hữu Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải khách Hải Phòng cũng chia sẻ: Các DN đã xác định trước hay sau vẫn phải lắp theo quy định. Tuy nhiên, họ đang trông chờ có quy chuẩn thiết bị camera, quy cách lắp camera và cách thức truyền về máy chủ của đơn vị quản lý.
Là đơn vị cung cấp thiết bị, ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Công ty cổ phần HC cho hay, nhiều DN tìm hiểu và đã chuẩn bị kinh phí lắp camera nhưng vẫn ở tinh thần nghe ngóng động thái của cơ quan quản lý nhà nước trước động thái đề xuất lùi thời hạn của doanh nghiệp. Theo ông Chiến, lùi thời hạn gỡ khó cho DN vận tải nhưng cũng đẩy nhiều DN cung ứng thiết bị camera đến bờ vực phá sản vì họ đã sản xuất và nhập số lượng lớn thiết bị vật tư hàng hoá.
Qua tìm hiểu thì được biết, hiện giá thiết bị camera góc rộng lắp cho mọi loại xe chỉ khoảng 4 – 5.5 triệu đồng đã gồm trọn gói chi phí simcard và máy chủ năm đầu. Các năm tiếp theo đơn vị chỉ cần phải trả trọn gói 100.000đ/tháng cho mỗi xe để duy trì simcard và máy chủ. Giá thiết bị có thể tăng lên 6-7 triệu, nếu DN vận tải có yêu cầu bổ sung các tính năng riêng như lắp thêm mắt camera để quản lý khoang hành lý, lắp cảm biến đo nhiên liệu, sử dụng ổ cứng lưu trữ …
Ông Võ Hoài Nam, Chánh Thanh tra giao thông, thuộc Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, hiệu quả của việc lắp camera giám sát không chỉ hỗ trợ các cơ quan chức năng có nguồn dữ liệu để giải quyết các vấn đề đảm bảo ATGT mà còn giúp các DN vận tải, chủ xe quản lý, giám sát về phương tiện, con người trong quá trình hoạt động. Việc lắp đặt camera giám sát trên phương tiện vận tải được đưa ra từ trước và có lộ trình thực hiện.
Vẫn triển khai lắp camera đúng thời hạn
Hiểu được quy định là quy định, đến thời hạn vẫn phải chấp hành, song nhằm giảm bớt khó khăn trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số doanh nghiệp đề xuất chỉ lắp camera với những xe lưu thông trên đường.
Còn những xe nghỉ dịch chưa phải lắp, nhất là đối với vận tải hành khách do phần lớn xe không chạy vì dịch. Với cách này sẽ không ảnh hưởng đến lộ trình và bài toán dài hạn của Chính phủ. Bên cạnh đó, góp phần ngăn ngừa, đẩy lùi đại dịch, thể hiện trách nhiệm xã hội của những xe đang kinh doanh.
Thông qua camera giám sát sẽ phát hiện được người không đeo khẩu trang phòng dịch trên phương tiện giao thông. Ảnh minh họa
Không chỉ có DN, mới đây, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã có kiến nghị lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính đối với việc lắp camera theo quy định của Nghị định 10 đến hết năm 2022. Tuy nhiên, một lần nữa, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã không đồng thuận với đề xuất này đồng thời yêu cầu các DN vận tải vẫn triển khai lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải đúng thời hạn quy định.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, quy định lắp đặt camera giám sát trên xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo là điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô nhằm mục tiêu giám sát hành vi của người lái xe, giám sát tình hình an ninh, trật tự trên xe và bảo đảm ATGT. Cụ thể hơn, ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, trên cơ sở hệ thống dữ liệu đang có, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị công nghệ hỗ trợ kỹ thuật xây dựng hệ thống tiếp nhận dữ liệu.
Trung tâm dữ liệu đi vào hoạt động và có thể tiếp nhận dữ liệu DN truyền về. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng ban hành quy định về chuẩn hình ảnh, dung lượng của ảnh. Tất cả ảnh gửi về hệ thống sẽ tính toán, kiểm soát theo chuẩn này. Chất lượng hình ảnh, kỹ thuật truyền, các giải pháp truyền hình ảnh, định dạng, giao thức truyền đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoàn thiện và công bố.
“Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ yêu cầu chuẩn đầu ra đảm bảo giảm chi phí thấp nhất cho DN. Khi DN vận tải truyền hình ảnh chuẩn theo đầu ra này sẽ tiếp nhận dữ liệu và xác nhận. Nếu quy định chuẩn camera riêng cho Việt Nam sẽ không phù hợp với chuẩn camera phát triển theo ngày của thị trường quốc tế”, ông Thủy cho hay.
Thực tế, việc lắp đặt camera trên xe kinh doanh vận tải đúng thời hạn sẽ phục vụ nâng cao an ninh trật tự, ATGT, lợi ích hành khách đi xe và quản lý trong nội bộ đơn vụ vận tải. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh phức tạp như hiện nay, việc lắp camera giám sát cần thiết hơn bất cứ lúc nào. Môi trường xe chở khách, xe chở công nhân, học sinh... khép kín, bật điều hoà và yếm khí nên dễ lây nhiễm khi có ca nhiễm COVID-19 và rất khó truy vết.
Trân trọng cảm ơn.